Uốn nắn cách hành xử của con

Không phải sinh ra là trẻ đã biết cách hành xử nào chấp nhận được hay không chấp nhận được. Trẻ học điều này qua quan sát cách quý vị và những người chung quanh trẻ hành xử như thế nào và cách mà trẻ cũng như những người khác được đối xử.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình là một đứa con ngoan, biết quan tâm và suy nghĩ tới người khác. Có nhiều phương cách khác nhau để đạt những mục tiêu này và các phương cách này thay đổi theo thời gian.

Chúng ta có khuynh hướng dạy dỗ con cái giống như cách chúng ta được cha mẹ chúng ta dạy dỗ. Nếu muốn thay đổi cách dạy dỗ con cái của mình, quý vị cần phải có thời gian, nghị lực và quyết tâm. Hãy cho phép bản thân mình làm lỗi.

Kỷ luật so với trừng phạt

Nhiều cha mẹ thời nay cảm thấy mình không được phép kỷ luật con cái của mình.

Trẻ em cần có kỷ luật để cảm thấy an toàn trong khi tìm hiểu về bản thân và thế giới chung quanh.

Kỷ luật và trừng phạt không phải là giống như nhau.

Kỷ luật bắt nguồn từ chữ La Tinh "để dạy”.

Trừng phạt là một phản ứng chú trọng vào việc phạt trẻ khi trẻ có những hành vi thái độ không chấp nhận được. Hiếm khi nào trẻ học được những cách hành xử đúng đắn hay chấp nhận được qua bị trừng phạt.

Mục đích của việc rèn luyện kỷ luật là giúp trẻ chịu trách nhiệm cho hành vi, thái độ của mình qua, việc dạy trẻ những cách có thể chấp nhận được để đáp ứng với tình huống. Khi lớn, trẻ sẽ biết tự kỷ luật hơn. Các em hiểu mình phải hành xử như thế nào và có thể tự kiềm chế hành vi thái độ của mình. Tinh thần kỷ luật tự giác được phát triển qua việc người lớn dạy dỗ và nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ. Kỷ luật được rèn luyện thành công khi các em hiểu rõ quy định và hậu quả khi không tuân theo quy định.

Trừng phạt về mặt thể xác?

Các biện pháp kỷ luật có thể đạt được mục đích mà không cần phải trừng phạt về mặt thể xác.

Trừng phạt về mặt thể xác là làm cho trẻ bị đau đớn để bắt trẻ phải chừa những hành vi thái độ không đúng đắn. Chẳng hạn như, dùng tay hay vật nào đó để đánh trẻ.

Trừng phạt về mặt thể xác là một hành động không chứng tỏ được sự quan tâm hay tôn trọng trẻ.

Hành động này có thể làm tổn thương tới cảm nhận của trẻ về lòng yêu thương và sự an toàn. Trẻ thường trở nên lo lắng, sợ hãi hay bất trị.

Khi trừng phạt trẻ về mặt thể xác thì chúng ta có thể dạy cho trẻ bạo hành là một cách có thể chấp nhận được để giải quyết vấn đề.

Đánh trẻ chẳng những không dạy cho trẻ hành xử thế nào là chấp nhận được mà ngược lại còn có thể dẫn tới tình trạng trẻ vẫn tiếp tục có những hành vi, thái độ không đúng đắn.

Sau khi bị đánh trẻ thường cảm thấy quá buồn hay tức giận nên quên mất lý do tại sao mình bị trừng phạt.

Trẻ em học hỏi bằng cách quan sát quý vị. Nói với trẻ giống như là cách mà quý vị muốn người khác nói với mình. Muốn trẻ hành xử như thế nào thì quý vị phải hành xử như thế nấy.

Nghe
Uoán naén caùch haønh xöû cuûa con
Update Required To play the media you will need to either update your browser to a recent version, enable javascript or update your Flash plugin.