Những nỗi sợ hãi và lo âu ở trẻ nhỏ
Hầu hết trẻ em đều bộc lộ ra những nỗi sợ hãi ở một giai đoạn nào đó. Những nỗi sợ hãi thông thường gồm có bóng tối, tiếng ồn lớn, các con thú to lớn, bị lạc, quái vật và ngủ một mình. Đôi khi, một số trẻ em còn trở nên hết sức lo lắng rằng chúng sẽ mất mẹ hay cha vì bệnh hoạn hoặc chết đi.
Cảm giác lo âu cũng là một phần trong quá trình phát triển về cảm xúc của trẻ em. Đối với trẻ em,điều này có thể là cảm giác sợ hãi và lo lắng quá mức. Nỗi lo âu có thể là do trẻ phải đối đầu với nhiều thay đổi trong cuộc sống. Thí dụ, trẻ cảm thấy lo lắng khi chúng dọn đến nhà mới, đi học ở một trường mới hoặc tham gia vào một sinh hoạt mới mẻ. Cảm giác lo âu có thể nảy sinh từ việc trẻ không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra cho chúng hay những người chúng yêu thương.
Cảm giác lo âu của trẻ em có thể bộc lộ qua một số hành vi khác nhau như đánh lộn với chị em hoặc bạn bè, thái độ cáu kỉnh, ngủ bất an, khóc nhiều, đeo bám hoặc không vâng lời. Nguyên do của các hành vi của trẻ em đôi lúc khó hiểu được. Biết rõ điều gì đang xảy ra với con sẽ giúp quý vị đọc được những biểu hiện rằng con mình đang cảm thấy lo âu.
Đáp ứng những nỗi sợ hãi và lo âu của con mình
Đừng giễu cợt những nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ em. Cho dù những nỗi sợ hãi đó có vẻ ngớ ngẩn hoặc vô lý, nhưng nó rất nghiêm trọng và thật đối với con mình. Cố gắng đừng bực bội hoặc nóng giận.
Hãy lắng nghe những nỗi sợ hãi của con mình. Ghi nhận chúng và cho chúng biết rằng quý vị sẵn sàng giúp đỡ.
Hãy cho trẻ có thời gian khắc phục những nỗi sợ hãi của chúng. Có thể phải mất vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn.
Nói chuyện với trẻ em về những nỗi sợ hãi và lo lắng có thể làm cho những cảm xúc này có vẻ bớt dồn dập.
Giải thích một cách đơn giản và hợp lý sẽ giúp cho con bớt lo lắng.
Hãy nói với con về những điều đã làm quý vị lo lắng và quý vị đã khắc phục được nó bằng cách nào.
Tránh nói với trẻ rằng không có gì đáng sợ cả. Thông điệp này có thể có hàm ý rằng quý vị không hiểu cảm xúc của trẻ.
Giúp trẻ nghĩ đến những gì sẽ làm cho trẻ cảm thấy bớt lo lắng. Chẳng hạn như nỗi sợ hãi của con liên quan đến bóng tối hoặc ban đêm, thì hãy nói về các ngọn đèn đêm, dùng một món đồ chơi để làm “hộ vệ”, thỏa thuận và tuân thủ theo giờ giấc và thói quen đi ngủ.
Trẻ em thường không giải thích được cảm giác lo âu. Chúng có thể thấy khó nói về những nỗi sợ hãi và lo lắng. Hãy giúp chúng chế ngự những nỗi sợ hãi bằng sự vui chơi. Thí dụ như chơi trò bác sĩ có thể giúp trẻ không sợ đi bác sĩ.
Giảm thiểu nỗi sợ hãi của trẻ bằng cách theo dõi những gì trẻ xem trên truyền hình. Tránh cho trẻ xem những thứ có thể làm cho trẻ cảm thấy lo lắng.
Chuẩn bị tinh thần trẻ cho các tình huống mà quý vị biết sẽ làm cho chúng lo âu. Hãy trò chuyện với chúng về những người sẽ có mặt ở đó, những gì sẽ xảy ra và trẻ có thể đến gặp ai nếu cảm thấy lo lắng. Thí dụ nếu trẻ bắt đầu đi học ở một trường mới, hãy đều đặn đưa trẻ đến ngôi trường đó trước ngày đi học đầu tiên, bỏ chút thời gian với trẻ ở sân chơi của trường vào dịp cuối tuần, chỉ cho trẻ lớp học của em, phòng vệ sinh và khi tan trường quý vị sẽ đón em ở chỗ nào.
Những nỗi sợ hãi của một đứa trẻ có xu hướng giảm nhẹ nếu trẻ kiểm soát được phần nào tình huống đó. Đừng bắt trẻ phải lao vào đối mặt với những nỗi sợ hãi quá lớn. Hãy giúp chúng mất đi cảm giác gốc nguồn của nỗi sợ hãi. Thí dụ như nếu con quý vị sợ những con chó lớn, hãy từ từ cho trẻ làm quen với những con chó. Làm điều này trong một môi trường an toàn và kìm chế bằng cách cho trẻ xem những tấm ảnh con chó trong một quyển sách, cho trẻ chơi với một con chó đồ chơi, đưa trẻ đến tiệm bán chó kiểng để xem các con chó và khi trẻ đã sẵn sàng, khuyến khích con vỗ nhẹ một chú chó nhỏ, thân thiện.
Khen ngợi và ghi nhận nỗ lực của trẻ em khi chúng đối đầu với những nỗi sợ hãi và lo âu.
Tránh đừng để trẻ biết quý vị đang hoảng sợ hoặc lo lắng vì điều này có thể làm tăng nỗi sợ hãi của trẻ. Đôi khi cảm giác lo âu của quý vị có thể lớn hơn cả của con quý vị. Trẻ em có thể dễ dàng cảm được cảm giác lo âu của quý vị. Hãy nghĩ đến cách thức quý vị chế ngự cảm giác lo âu của chính mình.
Khi nào cần tìm sự tư vấn chuyên môn
Mặc dù cảm giác lo âu hết sức thông thường ở trẻ em, phụ huynh nên tìm sự tư vấn chuyên môn khi nỗi lo âu bắt đầu tác động đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Nếu những nỗi sợ hãi của con quý vị ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường hàng ngày của trẻ và qua nhiều tháng, sự việc trở nên nghiêm trọng hơn thay vì bớt đi thì quý vị nên tìm đến sự tư vấn chuyên môn của bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi đồng hoặc chuyên viên tư vấn ở trường học.