‘Cùng đài’ với con của quý vị
“Cùng đài” với con trẻ là cách để cha mẹ biết rõ con mình đang cảm thấy như thế nào, chúng đang suy nghĩ điều gì và trẻ cần những gì. “Cùng đài” là nền tảng cho các mối quan hệ bền vững, tích cực và mang tính chất hỗ trợ giữa quý vị và con trẻ.
Cha mẹ “cùng đài” với con cho con trẻ hiểu rằng các trải nghiệm và cảm xúc của chúng được ghi nhận, thông hiểu và sẽ được đáp ứng.
Trẻ em có thể biết cha mẹ của chúng có “cùng đài” với chúng hay không. Đây là cách con quý vị cảm giác được sự quan tâm và tán thành của quý vị về chúng. Điều này là cơ sở cho một sự kết nối sâu sắc hơn giữa quý vị và con, và bồi đắp nền tảng cho các mối quan hệ tích cực trong quá trình tăng trưởng của trẻ.
Khi quý vị “cùng đài” với con, quý vị có thể đọc được các tín hiệu xúc cảm và hành vi của con và từ đó ứng xử một cách phù hợp. Khi trẻ cảm thấy được đáp ứng và thông hiểu, trẻ phát triển lòng tự tin và tự trọng tích cực.
Bé sơ sinh từ khi sinh ra giao tiếp bằng các âm thanh (khóc, u ơ và kêu ré), biểu lộ bằng nét mặt (tiếp xúc bằng ánh mắt, nụ cười, nhăn nhó) và cử chỉ (cử động chân khi phấn khởi hay lo âu hoặc chỉ trỏ). “Cùng đài” với em bé bắt đầu với sự giao tiếp phi ngôn ngữ: tiếp xúc bằng ánh mắt, biểu lộ bằng nét mặt, giọng điệu, cử chỉ, thời điểm và mức độ đáp ứng của quý vị.
Con lớn dần thì sự “cùng đài” với con bao hàm cả giao tiếp ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ.
Tìm hiểu con của quý vị
“Cùng đài” với em bé mới sinh hết sức quan trọng cho việc bé cảm thấy an toàn, được bảo vệ và yêu thương. “Cùng đài” với tiếng khóc của bé giúp quý vị biết được trẻ đói, mệt, cần thay tả hoặc muốn được ôm ấp.
“Cùng đài” với con ở độ tuổi mới biết đi có thể bao gồm việc hiểu rõ khi nào trẻ cần thời gian yên tĩnh, một món ăn vặt hoặc thay đổi sinh hoạt. “Cùng đài” với đứa con 2 tuổi đang nổi cáu không chỉ bao gồm phản ứng với các sự giới hạn thích hợp mà còn là việc hiểu rõ ý nghĩa xúc cảm của cơn giận đó có thể là gì. Có phải trẻ đang mệt, giận dữ hay bị đau?
Có “cùng đài” với con là do sự kiên nhẫn, thực hành và tìm hiểu con của quý vị.
“Cùng đài”
Hãy nhớ, mỗi đứa trẻ đều đơn nhất, có riêng kiểu cách tiếp xúc của mình để thể hiện nhu cầu và tiếp cận thế giới.
Hãy quan sát con của quý vị. Học cách hiểu được điều gì ‘trúng ý’ em.
Hãy hiểu và thích nghi theo nhịp thân thể, tính khí và tính cách của con quý vị. Làm sao biết được con mình đang đói? Đang mệt? Cần sự chú ý của mình? Cần được trấn an và vỗ về?
Hãy nhạy cảm với những thay đổi trong nhịp điệu cử động của con, giọng điệu và cường độ sinh hoạt của trẻ.
Tìm hiểu những ưu điểm và điểm yếu của trẻ. Bằng cách nào trẻ cho quý vị biết chúng đang vui? Chúng có dễ bị áp đảo không? Khi buồn bực trẻ có trở nên im lặng?
Hãy đáp ứng các cử chỉ, ánh nhìn và âm thanh của trẻ. Khi trẻ vươn tay đến quý vị, hãy ôm lấy con, hôn con và dùng lời đơn giản “con muốn lên”
Hãy trò chuyện với và lắng nghe con quý vị.
Hãy tôn trọng và nhận ra cảm xúc của con quý vị.
Hãy ý thức ngôn ngữ thân thể của chính mình. Lời giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của quý vị có nói cùng một điều với con quý vị hay không?