Hỗ trợ sự phát triển về mặt xã hội của con trẻ
Trẻ em liên tục học hỏi về thế giới xung quanh và cách hòa hợp với những người khác. Mong muốn được kết nối với những người khác tạo động lực cho trẻ học hỏi và giúp cho trẻ có sự tự tin để thử những gì mới mẻ.
Sự phát triển về mặt xã hội của trẻ em có liên quan chặt chẽ với sự phát triển về mặt xúc cảm của trẻ. Các trẻ em kiềm chế được cảm xúc của mình, chẳng hạn như sự giận dữ hay phấn khởi, thì rất có khả năng là chúng sẽ chơi một cách tích cực với những đứa trẻ khác và cùng giải quyết được những khó khăn với những người khác khi điều này xảy ra. Tương tự, trẻ nào hiểu được cảm xúc của những người khác sẽ có khả năng thông cảm hơn các nhu cầu của những đứa trẻ khác trong khi chơi.
Cha mẹ là mối liên kết quan trọng nhất đối với con quý vị và giữa con quý vị với những người khác trong thế giới của trẻ. Trẻ học hỏi về những mối quan hệ qua cách quý vị tương tác với trẻ và với những người khác.
Tất cả trẻ em đều trải qua nhiều giai đoạn phát triển về mặt xã hội khác nhau. Trẻ em phát triển các kỹ năng về mặt xã hội hầu hết qua các trò chơi và vui chơi. Cách trẻ em vui chơi cũng thay đổi theo tuổi. Khi đang lớn lên, trẻ em thay đổi từ chơi một mình qua chơi bên cạnh những em khác và sau cùng là chơi tập thể với những đứa trẻ khác.
Hiểu rõ con trẻ
Trẻ em có độ tuổi, sự giáo dục và cá tính khác nhau sẽ trải qua những thử thách khác nhau trong quá trình phát triển các kỹ năng về mặt xã hội. Một số trẻ em làm bạn dễ dàng và một số khác thì khó hơn. Có em thì nhút nhát và có em dạn dĩ. Đôi khi trẻ không gặp khó khăn gì trong việc phát triển một số kỹ năng về mặt xã hội nhưng lại gặp khó khăn với những kỹ năng khác.
Hãy quan sát con quý vị trong những tình huống xã hội khác nhau. Lưu ý cách thức trẻ xoay sở. Trẻ có vẻ khác nhau trong những bối cảnh khác nhau không? Trẻ có thiếu lòng tự tin không? Trẻ có cần giúp để hòa nhập không? Trẻ làm việc nào dễ dàng? Việc nào trẻ thấy khó thực hiện hơn, nếu có?
Cũng giống như khi tập đi và tập nói, sự phát triển các kỹ năng về mặt xã hội của trẻ cần có sự hỗ trợ, thực hành và được lặp đi lặp lại.
Những cách để giúp con trẻ
Hãy tạo ra một không khí biểu lộ sự tốt lòng và rộng lượng trong gia đình. Khuyết khích sự chia sẻ và quan tâm đến những người khác.
Làm gương cho trẻ những hành vi xã hội quý vị muốn khuyến khích nơi con quý vị. Những anh chị trong nhà cũng có thể nêu gương tốt cho những em khác nhỏ hơn.
Hãy nhờ trẻ em phụ làm những công việc nhà hàng ngày và nhận lời khi trẻ muốn giúp đỡ.
Khuyến khích nhiều mối quan hệ thích hợp giữa con quý vị và những người khác – với cả người lớn và trẻ em.
Hãy giúp trẻ cảm nhận tích cực về bản thân mình. Lòng tự trọng tích cực rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh về mặt xã hội.
Hãy hỗ trợ trẻ để các em hiểu được những cảm xúc của mình và cảm xúc của những người khác.
Giúp con quý vị phát triển các kỹ năng để biết cách tham gia vào một nhóm, học cách đợi đến lượt và làm theo các điều lệ.
Đừng mong đợi về việc trẻ chia sẻ một cách quá mức. Một số đồ chơi trẻ thấy khó chia sẻ hơn những thứ khác, chẳng hạn như món đồ chơi em thích nhất. Hãy cất đi những thứ này khi con quý vị đang chơi với bạn của nó.
Tạo nhiều cơ hội cho trẻ được vui chơi với những đứa trẻ khác.
Hãy hỏi trường học hoặc nhà trẻ của con là em thường chơi với bạn nào và sắp xếp ngày cùng bạn vui chơi.
Đối với những còn nhỏ các ngày cùng bạn vui chơi nên được sắp xếp ngắn, đơn giản và vui nhộn. Giới thiệu những sinh hoạt có tổ chức khi vui chơi cho các em còn nhỏ. Dần dần kéo dài thời gian chơi của trẻ, nâng số trẻ em tham gia và khi con càng lớn hãy giảm mức độ sắp xếp chơi có tổ chức và quý vị sẽ thấy là trẻ đã phát triển các kỹ năng xoay xở trong các tình huống này.