Hiểu rõ quá trình phát triển về cảm xúc của con

Khi nói đến quá trình phát triển về cảm xúc, chúng ta đang nói đến sự phát triển khả năng của trẻ em trong việc:

  • nhận ra và hiểu được các cảm xúc của bản thân mình
  • đọc đúng và hiểu được các cảm xúc của những người khác
  • kiềm chế được cảm xúc của mình
  • hình thành lối cư xử
  • phát triển khả năng thấu cảm đối với những người khác, và
  • xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với bạn bè, gia đình và những người khác.

Ngay từ lúc ra đời, trẻ em nhanh chóng phát triển được khả năng cảm nhận và bày tỏ các cảm xúc khác nhau, cũng như khả năng đương đầu và kiềm chế được nhiều cảm xúc khác nhau.

Kiềm chế các cảm xúc

Khả năng kiềm chế hoặc hình thành cách thức cảm nhận của trẻ em là một phần hết sức quan trọng trong sự phát triển của trẻ và thường là nguồn gốc của nhiều nỗi lo âu của phụ huynh.

Trẻ em không ra đời với sẵn khả năng kiềm chế được cảm xúc của mình. Trẻ rất dễ bị áp đảo bởi những cảm xúc mạnh và không thể tự trấn tĩnh dần được. Để làm được điều này các bé sơ sinh và trẻ nhỏ cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Trẻ nhỏ thường dễ bực bội vì có một khoảng cách lớn giữa những gì trẻ muốn làm và những gì trẻ thật sự có khả năng làm được. Điều này thường dẫn đến các em nổi cơn cáu kỉnh.

Cảm xúc và hành vi nối kết chặt chẽ với nhau. Khi không kiềm chế tốt cảm xúc, khả năng tư duy của trẻ có thể bị sút kém. Kết quả là trẻ hành động theo cảm xúc mà thường không suy nghĩ.

Đến tuổi đi học, trẻ em nhận thức được nhiều hơn cảm xúc của mình và cảm xúc của những người khác. Trẻ có khả năng tốt hơn liên kết sự suy nghĩ với cảm xúc của mình và sử dụng ngôn ngữ để mô tả cảm xúc của mình. Như vậy, trẻ có khả năng tốt hơn trong việc thay đổi và hình thành cảm xúc của mình. Khả năng thay đổi và điều chỉnh cảm xúc có nghĩa là trẻ sẽ có khả năng bao dung hơn đối với sự bực bội của chính mình, hoãn lại việc đòi được những gì các em hết sức muốn và có thể dần dần tự trấn tĩnh mình được.

Các mối quan hệ rất quan trọng cho cảm xúc của trẻ em

Quá trình phát triển về cảm xúc của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chất lượng của mối quan hệ phát triển giữa trẻ và cha mẹ. Cách thức cha mẹ tương tác với con trẻ ảnh hưởng nhiều đến cách trẻ phát triển về mặt cảm xúc.

Trẻ em học cách kiềm chế cảm xúc của mình bằng cách quan sát các thành viên khác trong gia đình bày tỏ và kiềm chế cảm xúc của họ. Cha mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc làm gương cách phản ứng với các cảm xúc mạnh.

Trẻ em cần được giúp đỡ và thực hành cách kiềm chế cảm xúc của mình.

Hỗ trợ quá trình phát triển về cảm xúc của con quý vị

Giữ cho bầu không khí cảm xúc của gia đình được êm dịu, ấm cúng và đoán được.

Chấp nhận và ghi nhận cảm xúc của con quý vị.

Đọc truyện cho trẻ nghe và nói về các cảm xúc mà các nhân vật trong sách có thể trải qua. Việc trò chuyện về cảm xúc sẽ giúp trẻ em hiểu rõ hơn cảm xúc của mình.

Nên giúp trẻ mô tả cảm xúc bằng lời – “dường như con đang cảm thấy thất vọng”.

Nên khuyến khích trẻ nói về những tình huống làm cho trẻ phấn khởi, vui vẻ, giận dữ hoặc lo lắng.

Nên khen ngợi trẻ khi chúng không mất đi sự kiềm chế hoặc biết cách giữ bình tĩnh.

Nên giúp trẻ tách bạch giữa cảm xúc và hành vi – “Mẹ biết con đang cảm thấy giận dữ nhưng đánh là một hành động không chấp nhận được.” Nên giúp trẻ em hiểu được sự khác nhau giữa cảm xúc của trẻ và cảm xúc của người khác - “Cha biết con cảm thấy bực bội ngay lúc này nhưng những gì con đang làm gây cho chị con buồn”.